Qua thư cháu viết thì rất có thể cháu bị đau bụng do giun. Đau bụng do giun thường đau quanh rốn và có cảm giác lợm giọng, buồn nôn. Nhất là khi đói, giun thiếu ăn nên quậy lung tung gây đau bụng. Trường hợp nhiễm giun đũa nhiều có thể gây bán tắc ruột do giun. Nhiễm giun là bệnh thường gặp ở nước ta, nhất là những vùng trồng màu, dùng phân tươi bón ruộng, những người ăn rau sống, uống nước chưa đun sôi... cũng dễ nhiễm giun. Người bệnh nhiễm giun hay bị rối loạn tiêu hóa như đau bụng, đại tiện phân sống, nhất là trẻ em. Do giun ăn chất dinh dưỡng nên người nhiễm giun dễ bị thiếu máu thiếu sắt (người bệnh thường có biểu hiện da xanh tái). Những năm gần đây, trong chương trình học đường có tiến hành tẩy giun nên số người nhiễm giun và hậu quả do nhiễm giun đã giảm. Hiện nay, thuốc tẩy giun rất dễ dùng và hiệu quả, chỉ cần liều duy nhất uống buổi tối trước khi đi ngủ. Để chẩn đoán chắc chắn nhiễm giun, cần làm xét nghiệm phân tìm trứng giun. Bạn có thể đi khám và xét nghiệm kiểm tra phân tại khoa tiêu hóa hoặc khoa ký sinh trùng của các bệnh viện. Theo thống kê, ở những vùng trồng màu như Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Hưng Yên... tỷ lệ người nhiễm giun và đau bụng do giun còn cao, vì vậy các chuyên gia khuyến cáo ở những vùng có nguy cơ nhiễm giun nên định kỳ tẩy giun 6 tháng - 1 năm/lần.
BS. Trần Kim Anh - SKVDS
0 nhận xét:
Đăng nhận xét