Cuộc sống hôn nhân không đơn thuần như con từng nghĩ, trước khi về
làm vợ của con trai mẹ con không hề nghĩ nó phức tạp như thế này. Đơn
giản vì con chưa hòa nhập, con khó chịu, hay chau mày về những việc ở
nhà chồng khiến con ngỡ ngàng. Từ lời ăn tiếng nói ý tứ nhẹ nhàng, làm
vợ, làm dâu phải hiểu bổn phận đi thưa về chào. Con không thích bị cảm
giác mẹ quản lý như đứa trẻ.
Lần đầu tiên con về ra mắt mẹ, con đã cố lấy lòng mẹ từng li từng tí
nhưng con phát hiện ánh mắt mẹ luôn quan sát hành động của con làm con
thấy ngột ngạt. Trong đầu con nghĩ: "Đây là một người nghiêm, quy tắc và
khó tính". Con hơi lo lắng, chột dạ đến tận ngày con chính thức gọi mẹ
là mẹ. Ấy vậy mà khi về làm dâu, mẹ yêu cầu con một tuần phải nấu ăn cho
cả gia đình vì ngày chủ nhật mấy anh chị tập trung về nhà.
Thế là phận dâu út, con phải lục đục đi chợ, chén bát, trái cây, nấu nướng để đãi cả gia đình chồng.
Mẹ có biết con lo lắng, sợ mình không kham nổi, từ bé đi học tốt
nghiệp, lấy chồng chưa một lần nấu nướng. Mọi việc cơm nước mẹ đẻ con
một tay từ trong ra ngoài. Lần đầu mẹ giao cho con nấu cá lóc nấu mẻ,
thịt kho hột vịt, mì xào thập cẩm... toàn những món con chưa từng đụng
đến.
Vụng về nên con không biết làm sao, chỉ dám điện thoại về nhà mẹ đẻ
nhờ mẹ con chỉ cách nấu. Làm cá lóc, con hì hục cả buổi mà vẫn chưa
xong, máu cá, vẩy cá bắn tung tóe khắp bếp. Với con, những điều này khó
hơn là đi phiên dịch cho khách du lịch nước ngoài gấp trăm lần. Trong bụng không mấy vui vẻ, thậm chí con có suy nghĩ: "Biết thế chả dại đi lấy chồng".
Rồi mẹ vô bếp kiểm tra, khi ấy con sợ cái thở dài của mẹ nhưng mẹ trở
thành người nấu chính, con phụ bếp. Mẹ chỉ cho con cách làm cá lóc, nấu
mẻ cho ngon, ướp thịt như thế nào. Thật tình mà nói con ương ngạnh đến
mức nghĩ: “Chỉ rồi làm cho ăn hoài à?". Có phải con quá ương bướng, cứng
đầu phải không mẹ?
Con có thói quen uống cà phê
buổi sáng nhưng nhà mẹ uống trà theo phong tục người miền Bắc. Mẹ nói
cà phê uống không tốt. Con dị ứng với cái thói quen của gia đình chồng
và nghĩ mẹ ghét bỏ con dâu nên không cho uống cà phê. Vậy là con mua cả
chục gói cà phê cất trong phòng để uống cho đã ghiền. Rồi chuyện cũng
xảy ra vì cái tính coi nhẹ lời mẹ nói. Hôm đó là thứ hai, như mọi hôm
con thức sớm để đi làm nhưng hôm đó con không thể ngồi dậy nổi, chồng
thì đi công tác tận Hà Nội. Mẹ phải vào phòng đánh thức thấy con không
khỏe mẹ đã đưa con vào bệnh viện kiểm tra.
Bác sĩ bảo: “Huyết áp lên đột ngột, có thể nguyên nhân do ăn uống
không đúng chế độ, hạn chế uống những thứ kích thích tim mạch như: cà
phê, bia, rượu, nước ngọt có gas... Đang có em bé mà như thế là không
tốt, ảnh hưởng đến em bé”. Vậy là nhà có tin vui, mẹ không cho con vào
bếp như mọi khi, trong bụng mừng thầm nhưng mẹ bắt con ngày nào cũng ăn
gà hầm thuốc bắc sẽ tốt cho thai nhi, đi đứng từ từ, mang dép thấp lè
tè, ăn cơm phải ăn bằng chén không được dùng tô, ngồi đúng vào bàn ăn...
đủ thứ lễ nghĩa và cả quy tắc từ xửa từ xưa mà mẹ bắt con làm theo.
Khi chồng công tác về, hay tin con có bầu ảnh mừng khôn xiết. Con chưa kịp đếm nụ cười và cả mùi mồ hôi
của chồng con sau bao ngày nhớ nhung xa cách thì mẹ bắt anh ngủ riêng
vì lý do vợ có bầu chồng phải cách ly. Đêm ấy mẹ có biết cả hai vợ chồng con phải ngậm ngùi thế nào không?
Khi sinh xong, mẹ chăm cháu suốt. Ai mà nựng cháu mạnh tay mẹ cũng
xót. Con giữ con của con mà mẹ không hài lòng: “Bế cháu phải bế hai tay
cẩn thận. Thôi để mẹ giữ cháu cho". Lúc đó con nghĩ mẹ muốn chiếm đoạt
con gái con, con giận lắm nhưng chỉ ức nghẹn mà không dám nói.
Nhưng giờ nghĩ lại, từ lúc về làm dâu mẹ, con biết nấu nướng, biết
chăm sóc chồng con, biết cư xử đúng mực, sống hòa nhã, không háo thắng
như ngày trước. Những chuyện đã qua, mẹ dạy con rất phải, con học ở mẹ
nhiều. Đôi lúc, con khó chịu, không hài lòng những việc mẹ chỉ bảo là
không đúng. Suy cho cùng mẹ chồng cũng như mẹ đẻ. Con có được suy nghĩ
đó là nhờ cách con trai mẹ cư xử với gia đình con, lối sống, sự hiếu
thảo, đại nghĩa với cha mẹ. Mẹ à, cảm ơn tất cả những gì mẹ đã dạy con!
Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét